Có câu rằng: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ“. Người già chính là một kho báu về kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế. Một lời khuyên của họ có khi nghìn vàng khó mua. Dưới đây bạn có thể tham khảo một số lời vàng ý ngọc như thế.
1. Không nghe lời người già, chịu thiệt ngay trước mắt
Lời của người già nguyên là trí huệ được đúc kết, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nó cũng được hun đúc từ trong những thử thách của cuộc sống, thời gian, là một loại vốn liếng trên hành trình nhân sinh của họ.
Người già đã trải qua nhiều chuyện, đi qua nhiều con đường, nếm trải nhiều cay đắng. Thế giới này đã tôi luyện họ trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Điều đó khiến nhận thức của họ có chiều sâu, sự từng trải, nhìn thấu lẽ đời, thông suốt được vận mệnh.
Lời của người già câu nào cũng đều phảng phất mùi hương hoa cỏ, dào dạt hơi thở trong lành của tự nhiên. Đạo lý trên thế gian, điều bình dị nhất cũng chính là vĩ đại nhất, điều vĩ đại nhất hiển nhiên là bình dị nhất. Lời của người già cũng giống như rượu ngon được ủ lâu năm, càng lâu vị càng nồng.
Đời người ngắn ngủi, làm lại từ đầu chính là điều không thể. Lắng nghe lời răn dạy của người đi trước giúp người ta không phải đi qua những con đường vòng, đường cong. Lắng nghe lời của người già sẽ khiến bạn thọ ích cả đời.
Nhược bằng không nghe lời khuyên của người từng trải, bạn sẽ mất nhiều hơn được. Có câu: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư“. Lời của người lớn tuổi, dẫu không phải lúc nào cũng hợp với hoàn cảnh của bạn nhưng ít nhất cũng nên được nghe với thái độ trân trọng. Con đường mà bạn đang đi, chính họ cũng đã từng trải qua. Tham khảo lời khuyên răn của tiền bối là trăm điều lợi, không một điều hại, rất đáng nên làm.
2. Tài do đức dưỡng, trí do tâm sinh
Phát tài nhỏ dựa vào chuyên cần nhưng phát tài lớn chính là dựa vào phúc đức. Người xưa nói, đức mà không dày thì không thể chở muôn vật được. Kiếm tiền vốn không phải là trục thêm nhiều lợi nhuận, mà là thu nạp thêm lòng người. Lòng người mà hướng về phía bạn, tiền của sẽ vào như nước.
Trên đời vốn không có chuyện gì khó, chỉ sợ ý chí chẳng bền. Có quyết tâm chính là sẽ biết hành động, có tình yêu chính là sẽ biết cho đi, có ước mơ chính là sẽ biết tung bay. Con người có năng lực chịu đựng bao nhiêu thì có nghị lực bấy nhiêu. Điều then chốt chính là ở mức độ dụng tâm của họ.
Nếu thực sự công phu đặt tâm thì sự chân thành sẽ khiến lòng người xúc động. Nếu thực sự đặt tâm thì nơi nào cũng là thắng cảnh. Nếu thực sự đặt tâm hành sự thì không gì ngăn trở được. Nếu thực sự đặt tâm thì không nơi nào không thắng lợi. Vậy mới nói, trí do tâm sinh là thế.
3. Lòng biết cảm ân ắt có phúc báo
Người sống ở đời quan trọng là có một trái tim cảm ân, nhận ân huệ của người, cần phải nhớ mãi trong tâm. Một người hiểu được cảm ân, nhất định là một người lương thiện. Một người biết báo ân cũng chính là có tấm lòng rộng mở, tâm hồn trong sáng. Họ sẽ nhận phúc báo, được sống thanh thản, yên bình giữa bão táp, phong ba.
Mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay đều không thể tách khỏi những mối quan hệ quần thể. Ngày nhỏ thì có mẹ cha chăm bẵm, lớn lên đi học thì được thầy cô coi sóc, bạn bè giúp đỡ. Sau này trưởng thành, ra đời lập nghiệp lại có đồng nghiệp, đối tác, bằng hữu, huynh đệ sát cánh.
Như thế mỗi chút tiến bộ, mỗi điều thu hoạch được của đời người đều không tách khỏi sự giúp đỡ của một ai đó. Mãi mãi ghi nhớ lòng tốt của người khác, mới có thể mỗi ngày được ngắm ánh sáng mặt trời. Mỗi ngày đều có bạn bè bầu bạn, đến cuối đời sẽ có hạnh phúc đi theo. Trái lại, nếu lòng chỉ luôn ghi nhớ thiếu sót, lỗi lầm của người khác, bạn sẽ chỉ tự làm khổ chính mình mà thôi.
4. Đừng bởi không ngủ được mà giận lây chiếc giường
Việc trong thiên hạ vốn chia thành 3 loại: Việc của ông Trời, việc của người khác và việc của bản thân.
Chớ nên đem chuyện của bản thân đổ vạ cho ông Trời kiểu như Hạng Vũ năm xưa bại dưới tay Hàn Tín, ngửa mặt lên trời mà than: “Đó là trời hại ta, chứ không phải tội ta đánh không giỏi”. Không đổ vạ cho Trời và tốt nhất bạn cũng chớ đẩy trách nhiệm lên thân người khác.
Nếu như vấn đề thực sự bắt nguồn từ chính mình, đừng tìm kiếm những cái cớ để giải vây cho bản thân. Đừng ngụy biện, hãy hành động để thay đổi tình hình.
Kỳ thực có nhiều chuyện không như ý vốn dĩ xảy ra là bởi bạn cứ cố chấp mãi trong tâm. Chỉ cần thay đổi bản thân, thay đổi tâm thái của mình, hết thảy ngoại cảnh đều sẽ chuyển đổi theo, thuận theo đó mà biến hóa. Bởi vậy người xưa nói: “Tướng tại tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển“. Nghĩ khác đi, mọi chuyện ắt sẽ thông.
5. Còn nước còn tát, đến chết mới thôi
Thoạt nghe dường như có chút bi quan trước số mệnh. Thực ra, ý nghĩa chính là thẳng tiến không lùi bước, dồn vào tử địa mà tìm lấy cơ hội sống. Cuộc sống rất đơn giản, lúc nên làm việc thì làm việc, lúc nên ăn cơm thì ăn cơm. Ngày tiếp nối ngày, tháng ngày chính là bận rộn từng ngày như vậy.
Nhưng cuộc sống cũng vô cùng phức tạp, có chuyện nhân tình thế thái lo không hết, biết bao ân ân oán oán không rõ ràng, chỉ vì chút lợi nhỏ mà tranh giành chửi rủa, thậm chí hành hung. Hà tất phải như vậy? Người ta sống chỉ có dựa vào cần cù và trí huệ của bản thân mới có được tôn nghiêm lớn nhất.
6. Khổ ải vô biên, quay đầu là bờ
Đời người khó tránh được chuyện muộn phiền, khổ sở. Nhưng đừng đợi đến lúc không có thống khổ thì mới cho phép bản thân mình vui vẻ. “Quay đầu” chính là để bản thân vui vẻ hẳn lên, tràn đầy lòng yêu thương, yêu chính mình và người thân, bạn hữu.
Trong nhà nếu một cái cây bị bệnh, bạn đương nhiên cần chăm sóc nó. Nhưng chớ vì vậy mà quên đi cả một cánh rừng xanh ngắt dạt dào sức sống bên ngoài. Dù cho tâm tình thống khổ đến mấy, bạn vẫn có thể tận hưởng rất nhiều vẻ đẹp của sinh mệnh, thế gian: Mặt trời từ từ nhô lên từ mé nước biển buổi bình minh, nụ cười ngây thơ của những đứa trẻ, những tán cây um tùm, xanh biếc phủ bóng mát xuống con đường nóng rẫy.
Chỉ chịu đựng đau khổ vẫn là chưa đủ, cần phải biết quay đầu. Lùi một bước biển rộng trời cao, xin đừng giam lỏng bản thân trong thống khổ.
7. Biết ít chuyện, phiền não sẽ ít. Biết quá nhiều chuyện, lắm thị phi
Lúc nhỏ không biết cảm giác buồn, đến già mới hay đường đi khó. Những nơi có người, thì có ân oán thị phi. Những nơi có ân oán thị phi chính là giang hồ. Mà người ở giang hồ, “thân bất do kỷ”, không thể tự định đoạt số mệnh.
Trang Tử nói: “Khi suối cạn, cá chen chúc với nhau trong bùn. Ở đó phun nhớt dãi làm ướt nhau, sao bằng ở sông hồ mà quên nhau”. Chuyện kể rằng có hai con cá bị sa vào vùng nước cạn. Để sinh tồn, chúng phải dùng miệng hà hơi cho nhau, cảnh ấy thực làm cho người cảm động.
Nhưng sinh tồn theo cách ấy há chẳng tội nghiệp lắm sao? Là cá thì phải tung tăng bơi lội chốn sông hồ, biển lớn, mỗi con một khoảng trời riêng, chẳng phụ thuộc ai. Đó chính là “ở sông hồ mà quên nhau”, ai nấy tự bảo trọng, sống một cách phiêu diêu tự tại, không mang đến bất cứ gánh nặng nào cho người khác và bản thân.
Chỉ khi buông bỏ gánh nặng trong tâm, ta mới có thể đi được xa hơn, tầm nhìn cũng trở nên rộng mở hơn.
8. Tấm lòng thoáng đãng, thọ ích vô cùng
Lòng rộng đường sẽ rộng, lòng hẹp đường sẽ hẹp. Phàm là chuyện gì cũng đều độ lượng, ắt được người tôn kính. Có thể nhẫn được thì hãy nhẫn, một sự nhẫn chín điều lành.
Học biết thích ứng người khác, đừng mong người mong mỏi xa vời rằng người khác sẽ thích ứng với mình. Không lộ ra bên ngoài, giấu kín sự thông minh, thân thiện với người, người khác cũng sẽ thân thiện mà đỗi đãi với bạn. Người hay giúp đỡ người khác, cũng sẽ được người khác giúp đỡ lại.
Lòng khoan dung, độ lượng chính là phúc báo lớn nhất đời người.
9. Trong sạch tự mình biết, ô uế tự mình hay
Giả dối và sự thật, hoan lạc và đau khổ, hoang đường và chân lý, nên phải phân biệt rõ ràng. Đúng sai phải trái, là trắng là đen, sớm muộn cũng sẽ có ngày minh bạch.
Có những lúc giải thích quá nhiều, tranh chấp nguyên là không cần thiết. Đối với những người vô lý sinh sự, cố tình phỉ báng, hãy đáp lại anh ta bằng một nụ cười. Chuyện còn lại thì hãy cứ để thời gian chứng minh.
Mỗi người đều có những thứ nguyên vốn thuộc về bản thân mình, là của bạn thì chính là của bạn, còn như không phải của bạn thì dù có cướp được cũng phí công. Ai cũng đều nên đặt ra cho mình một chuẩn tắc của sống. Và hãy nhớ: “Trong sạch tự mình biết, ô uế tự mình hay”.
Theo NTDTV
Thuận An biên dịch